Trong kỳ thi đại học năm nay ở Trung Quốc (còn gọi là gaokao), một số tỉnh, thành phố của nước này lần đầu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát các hành vi gian lận trong thi cử nhằm đảm bảo tính công bằng của kỳ thi.
Gaokao (cao khảo) được coi là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh ở Trung Quốc, vì vậy việc đảm bảo phát hiện gian lận kịp thời là rất quan trọng.
Trong kỳ thi đại học năm nay, tỉnh Quảng Đông lần đầu tiên triển khai hệ thống AI thời gian thực tại 386 điểm thi. Sử dụng công nghệ AI tiên tiến, hệ thống có thể phát hiện các hành vi bất thường như gian lận, sao chép theo thời gian thực bằng cách phân tích dữ liệu hình ảnh và video trong phòng thi và ngay lập tức gửi cảnh báo đến giám thị để có hành động tiếp theo.
Trong khi đó, tỉnh Hải Nam thí điểm sử dụng AI để kiểm tra, giám sát tại điểm thi, kịp thời phát hiện và cảnh báo hành vi vi phạm kỷ luật.
Thành phố Trùng Khánh ở khu vực Tây Nam Trung Quốc cũng sử dụng hệ thống AI tại một số điểm thi để phân tích và nghiên cứu hành vi bất thường trong kỳ thi.
Năm nay Bắc Kinh đã nâng cấp hệ thống giám sát thông minh được sử dụng trong kỳ thi đại học, bổ sung khả năng giám sát và nhận dạng hình ảnh nhạy hơn. Việc quay đầu, cúi xuống nhặt đồ, giao tiếp giữa giám thị và học sinh… những hành động nhỏ như vậy sẽ được ghi lại bởi hệ thống video và qua đó có thể nhanh chóng xác định những vi phạm đáng ngờ của từng thí sinh.
Ngoài ra, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã sử dụng radar để tìm đường, triển khai robot tuần tra và máy bay không người lái để hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi quốc gia này.
Các nhà phân tích lưu ý rằng mặc dù công nghệ AI chưa thể thay thế hoàn toàn sự giám sát của con người, nhưng nó có thể giúp bảo vệ tính công bằng của kỳ thi đại học và giảm áp lực cho giám thị.
Cùng với công nghệ AI không ngừng phát triển, sẽ có nhiều công nghệ khác được áp dụng trong kỳ thi đại học để giảm thiểu, thậm chí loại bỏ các hành vi gian lận trong thi cử.