The Cube: Công trình đầu tiên làm từ bê tông carbon

Công trình The Cube ở Đức làm từ bê tông carbon, biểu tượng cho kiến trúc đổi mới và vật liệu xây dựng mới.

Công ty kiến trúc Henn và Đại học Công nghệ Dresden ở Đức phối hợp hoàn thành tòa nhà đầu tiên trên thế giới làm từ bê tông carbon – loại bê tông gia cố bằng sợi carbon thay vì thép, Design Boom hôm 23/2 đưa tin.

The Cube được cho là tòa nhà đầu tiên trên thế giới xây từ bê tông carbon. (Ảnh:Stefan Mueller)
The Cube được cho là tòa nhà đầu tiên trên thế giới xây từ bê tông carbon. (Ảnh:Stefan Mueller)

Mang tên The Cube, tòa nhà rộng 243m2 này được xây dựng để thử nghiệm vật liệu mới. Cube sẽ cung cấp một phòng thí nghiệm và không gian tổ chức sự kiện trong khuôn viên Đại học Công nghệ Dresden.

Đặc điểm nổi bật của The Cube là mặt ngoài mảnh, xoắn, vừa gợi liên tưởng đến sợi carbon, đồng thời chứng minh tính chất của vật liệu mới – nhẹ và chắc chắn hơn bê tông truyền thống. Công trình sử dụng bê tông carbon để làm trần nhà và tường nối tiếp liền mạch. Trần nhà có một khe hẹp nằm chéo, cung cấp ánh sáng tự nhiên.

Đường cắt chéo tạo thành giếng trời của tòa nhà. (Ảnh: Stefan Groeschel)
Đường cắt chéo tạo thành giếng trời của tòa nhà. (Ảnh: Stefan Groeschel)

Giáo sư Manfred Curbach và Viện Xây dựng Chất rắn của ông tại Đại học Công nghệ Dresden, hợp tác với nhóm nhà thiết kế, kiến trúc sư, chuyên gia về hiệu suất vật liệu, nhà dựng ảnh và nhà chế tạo mô hình tại Henn để phát triển The Cube. Công trình được xây dựng theo dự án do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức tài trợ, là một thử nghiệm thành công trong lĩnh vực khoa học vật liệu và kiến trúc đổi mới.

“Sợi carbon nhẹ bằng 1/4 và cứng gấp khoảng 6 lần thép, cũng không bị ăn mòn. Điều này đồng nghĩa phần cốt sợi carbon không cần nhiều bê tông bao bọc để bảo vệ khỏi nước. Một khối bê tông carbon cùng kích thước có thể chịu tải trọng lớn hơn”, Giovanni Betti, chuyên gia tại Henn, cho biết.

“Các thành phần và cấu trúc của công trình có thể được thiết kế mỏng hơn, với mức tiết kiệm vật liệu từ 50% trở lên. Điều này có thể giúp giảm lượng khí thải CO2 và mức tiêu thụ các tài nguyên quý giá như nước hay cát”, Betti bổ sung.