Thần đồng vật lý Trung Quốc Doãn Hy với thành tích đặc biệt xuất sắc khiến Đại học Harvard của Mỹ phải phá bỏ thông lệ tồn tại suốt 300 năm để giữ chân.
Doãn Hy sinh năm 1983 trong gia đình trí thức ở Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngay từ nhỏ, Doãn Hy đã bộc lộ tài năng học tập phi thường, 5 tuổi thuộc lòng 300 bài thơ Đường. Nhận thấy khả năng đặc biệt của con trai, cha mẹ đã dành thời gian kèm cặp trước khi vào lớp 1.
Doãn Hy làm nhiều người kinh ngạc bởi khả năng tiếp thu kiến thức mới siêu việt và kỹ năng vận dụng linh hoạt. Vào tiểu học, Doãn Hy được nhà trường đặc cách lên lớp 3. Doãn Hy cũng chỉ mất vài ngày để học xong toàn bộ chương trình tiểu học.
Doãn Hy không bao giờ ghi chép bài trên lớp. Khi được thầy giáo hỏi lý do, Doãn Hy thật thà trả lời: “Em đã ghi nhớ hết kiến thức trong đầu rồi”.
Ban đầu, thầy giáo không tin cậu học trò có thể ghi nhớ toàn bộ bài giảng, nên yêu cầu viết lại bài trên giấy và Doãn Hy nhanh chóng thuyết phục được ông.
Dù biết con trai có năng khiếu nhưng cha mẹ vẫn sửng sốt trước những gì Doãn Hy thể hiện. Họ đưa con trai đi kiểm tra chỉ số IQ. Kết quả, Doãn Hy có IQ đạt 200, thuộc nhóm người có trí thông minh cực cao.
Năm 9 tuổi, trong khi bạn bè vẫn còn vò đầu với các bài toán lớp 4, thì Doãn Hy đã thi đỗ vào trường trung học cơ sở số 8 Bắc Kinh, nơi đào tạo những học sinh ưu tú của Thủ đô, trở thành học sinh nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nhà trường.
Tất cả học sinh trong lớp thí nghiệm đều có chỉ số IQ cao, Doãn Hy vẫn nổi bật hơn cả và tự học hết chương trình cấp 2 trong thời gian ngắn.
Năm 1996, ở tuổi, Doãn Hy quyết định táo bạo khi tham dự Gaokao – kỳ thi đại học ở Trung Quốc và nổi tiếng là kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Người nể phục, người chỉ trích cậu tự đại, ba mẹ Doãn Hy vẫn tin tưởng vào khả năng của con trai.
Không phụ lòng mong mỏi của gia đình, Doãn Hy đạt điểm 572/700 trong kỳ thi Gaokao và được nhận vào Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc, trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất của trường.
Doãn Hy luôn là người đầu tiên ra khỏi ký túc xá và là người cuối cùng trở về. Khi không có giờ học, nam sinh thường dành thời gian ở thư viện, đọc sách để nâng cao kiến thức và khám phá thế giới rộng lớn. Doãn Hy nhiều lần nhận được học bổng tại trường trước sự thán phục của mọi người.
Bên cạnh việc học tập, Doãn Hy cũng chăm chỉ rèn luyện thể thao. Sinh sống và học tập giữa tập thể anh chị lớn hơn nhiều tuổi, anh luôn hòa đồng, tích cực tham gia hoạt động chung và có khả năng xử lý các mối quan hệ khéo léo. Nhờ vậy, Doãn Hy được thầy cô và bạn bè yêu quý.
Đại học Havard phá luật
5 năm trôi qua nhanh chóng Doãn Hy tốt nghiệp Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc. Cùng năm, anh được Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ trao tặng suất học bổng toàn phần học thẳng lên tiến sĩ.
Đại học Harvard là nơi tập trung của những tài năng xuất chúng đến từ khắp nơi trên thế giới. Khi mới đến đây, Doãn Hy vẫn là sinh viên nhỏ tuổi nhất toàn trường, nên bị nhiều thầy cô và bạn bè xem thường. Tuy nhiên, anh không nản lòng.
Trong bài kiểm tra đầu tiên, Doãn Hy chỉ đạt điểm trung bình, điều mà anh chưa bao giờ nếm trải. Doãn Hy nhận ra khoảng cách giữa bản thân với những người khác và cảm giác thất bại trào dâng trong lòng.
Câu nói “thất bại là mẹ thành công” đã tiếp thêm động lực cho Doãn Hy cố gắng. Sau một thời gian nỗ lực, thiên tài người Trung Quốc lấy lại vị trí top đầu trong lớp. Tuy nhiên, anh không vì vậy mà kiêu ngạo, mà ngược lại càng cẩn trọng và học tập chăm chỉ hơn.
Và chỉ sau 6 năm, Doãn Hy xuất sắc lấy được bằng tiến sĩ vật lý của Đại học Harvard. Theo truyền thống hơn 300 năm của trường, nghiên cứu sinh sau khi lấy bằng tiến sĩ sẽ không được phép tiếp tục ở lại để học chương trình sau tiến sĩ. Tuy nhiên, vì Doãn Hy quá xuất sắc, ngôi trường danh tiếng quyết định phá lệ để giữ chân thiên tài này.
Năm 2008, khi mới 24 tuổi, Doãn Hy được mời làm trợ lý giáo sư tại khoa Vật lý của Đại học Harvard. 7 năm sau, anh được thăng chức làm giáo sư khoa Vật lý và trở thành giáo sư người Trung Quốc trẻ nhất trong lịch sử ngôi trường.
Thời gian làm việc tại Đại học Harvard, Doãn Hy được tiếp xúc với các chuyên gia vật lý hàng đầu, từ đó nảy sinh những ý tưởng nghiên cứu mới. Theo thời gian, danh tiếng của Doãn Hy trong cộng đồng vật lý nước Mỹ ngày càng lan rộng. Thời điểm đó, anh được đánh giá là một trong những nhà vật lý trẻ đáng được mong đợi.
Trái ngược với thành công tại Mỹ, dư luận Trung Quốc không mấy ưu ái Doãn Hy, thường là chủ đề mang ra bàn tán, chỉ trích. Nguyên nhân là bởi trước khi sang Mỹ, Doãn Hy nói rằng sau khi học xong sẽ trở lại quê hương để cống hiến, nhưng anh lại định cư ở Mỹ và có gia đình hạnh phúc.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với tờ The Paper , khi được hỏi vì sao không trở về quê hương phát triển sự nghiệp, Doãn Hy bày tỏ môi trường nghiên cứu ở Mỹ phù hợp với định hướng và sự phát triển hơn.