Sự cố mạng làm gián đoạn hoạt động của kính thiên văn

Các kính thiên văn quốc tế bị tấn công mạng, nghiên cứu thiên văn chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo trang Science.org, kể từ đầu tháng 8, một “sự cố mạng” làm gián đoạn hoạt động trung tâm NSF (Tổ chức Khoa học quốc gia Mỹ), có nhiệm vụ điều phối các kính thiên văn quốc tế.

Các cuộc tấn công làm ngắt kết nối kính thiên văn ở Hawaii và Chile, ngăn cản các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trong những khoảng thời gian quan sát quan trọng.

Hàng loạt kính thiên văn ngừng hoạt động

Kính viễn vọng Gemini North tại Đài thiên văn Gemini ở Hawaii đã ngừng hoạt động sau khi một “sự cố mạng” được báo cáo - (Ảnh: NOIRLAB)
Kính viễn vọng Gemini North tại Đài thiên văn Gemini ở Hawaii đã ngừng hoạt động sau khi một “sự cố mạng” được báo cáo – (Ảnh: NOIRLAB)

Trung tâm điều phối thiên văn học trên mặt đất do NSF điều hành, được gọi là NOIRLab, báo cáo về cuộc tấn công mạng vào ngày 1-8. Kính viễn vọng Gemini North ở Hilo, Hawaii, do Đài thiên văn Gemini quốc tế vận hành, là thiết bị đầu tiên bị ảnh hưởng.

Nhờ sự phản ứng nhanh chóng của nhóm an ninh mạng NOIRLab và các nhóm quan sát, Đài thiên văn Gemini không bị thiệt hại vật chất. Tuy nhiên, sự cố khiến kính Gemini North và Gemini South (nằm trên núi Cerro Pachón ở Chile) phải ngừng hoạt động.

Hệ thống máy tính của NOIRLab cho phép các nhà thiên văn học vận hành từ xa nhiều kính thiên văn khác nhau trên mặt đất.

Tuy nhiên vào ngày 9-8, NOIRLab đã phải ngắt kết nối mạng máy tính của mình với mạng của một số đài quan sát ở Chile, gây ảnh hưởng đến một loạt kính thiên văn.

Việc này khiến các nhà nghiên cứu bỏ lỡ cơ hội quan sát quan trọng, ảnh hưởng đến các dự án quốc tế, luận án tiến sĩ và nghiên cứu đang diễn ra.

Hai tuần lễ chưa sửa xong

Các chuyên gia an ninh mạng đang bối rối không hiểu tại sao kính thiên văn lại trở thành mục tiêu của cuộc tấn công này.

Ông Von Welch, lãnh đạo đã nghỉ hưu của Trung tâm an ninh mạng xuất sắc NSF, cho rằng có thể kẻ tấn công không biết rằng hắn đang nhắm mục tiêu vào một đài quan sát thiên văn.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về thiên văn học tại Đại học bang Arizona, Luis Welbanks, nhấn mạnh sự cố này đã đặt ra thách thức cho các nhà thiên văn học.

Còn theo nhà thiên văn Gautham Narayan tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, đây là một lời cảnh tỉnh khác cho cộng đồng thiên văn học.

Các kính thiên văn ngừng hoạt động càng lâu, giới thiên văn học càng lo lắng về tương lai các dự án của họ.

Trung tâm NOIRLab từ chối trả lời câu hỏi của Trang Science về việc liệu vụ việc có phải là một cuộc tấn công ransomware hay không, trong đó tin tặc đòi tiền chuộc để trả lại thông tin hoặc quyền kiểm soát cơ sở.

Người phát ngôn của NOIRLab chỉ nói với trang Science rằng nhân viên công nghệ thông tin của trung tâm đang “làm việc suốt ngày đêm để đưa kính thiên văn trở lại bầu trời”.