Phát hiện Anadoluvius turkae và giả thuyết mới về nguồn gốc loài người

Phát hiện hài cốt Anadoluvius turkae tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến giả thuyết truyền thống về nguồn gốc loài người bị thách thức.

Quan điểm truyền thống về nguồn gốc của loài người kể từ thời nhà bác học Charles Dawin có thể bị phá vỡ bởi hài cốt một vị tổ tiên chung vừa lộ diện ở châu Âu.

Theo Sci-News, các nhà khoa học vừa khai quật được hài cốt 8,7 triệu tuổi của Anadoluvius turkae, một loài mới được xác định là vị tổ tiên chung của người và một số loài linh trưởng khác.

Điều gây sốc là bộ hài cốt đã lộ diện tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này hoàn toàn trái ngược với lý thuyết truyền thống là dòng dõi con người đã tách ra khỏi cây gia phả chung với tinh tinh, tiến hóa ở mức biết sử dụng công cụ rồi mới rời khỏi quê hương châu Phi.

Ảnh Hộp sọ của Anadoluvius turkae được khai quật tại Thổ Nhĩ Kỳ - (Ảnh: Velizar Simeonovski)
Hộp sọ của Anadoluvius turkae được khai quật tại Thổ Nhĩ Kỳ – (Ảnh: Velizar Simeonovski)

Phát hiện mới cho thấy, lịch sử xa xôi của tổ tiên chúng ta có thể là một chuỗi phức tạp của các cuộc di cư chồng chéo.

Anadoluvius turkae vẫn còn mang dáng dấp giống vượn, nhưng hộp sọ hóa thạch được tì thấy – bao gồm hầu hết cấu trúc khuôn mặt và phần trước của hộp não – cho thấy nó có bộ não lớn hơn hẳn các loài tổ tiên đã được tìm thấy trước đó.

Sinh vật này có kích thước tương đương một con tinh tinh đực lớn (khoảng 50-60kg), sống trong môi trường rừng khô cằn và có lẽ đã dành rất nhiều thời gian trên mặt đất.

Trước đây giới khoa học vẫn tin rằng khả năng di chuyển linh hoạt trên đôi chân, sống và kiếm ăn một phần trên mặt đất chỉ phát triển hàng triệu năm sau đó, với những vượn nhân hình đã nhiều phần giống người.

“Chúng ta không có được xương chi nhưng xét từ hàm và răng, các động vật được tìm thấy dọc theo đó và các chỉ số địa chất của môi trường, Anadoluvius turkae có lẽ đã sống trong điều kiện tương đối thoáng đãng, không giống như môi trường rừng của các loài vượn lớn” – Giáo sư David Begun, nhà cổ nhân học từ Đại học Toronto (Canada) cho biết.

Bài công bố trên tạp chí khoa học Communication Biology đã vẽ lại đoạn lịch sử đầy ngạc nhiên mà hài cốt này đã chỉ ra: Vượn nhân hình có thể đã trải qua 5 triệu năm tiến hóa ở châu Âutrước khi phân tán đến châu Phi, có thể là do môi trường và diện tích rừng bị suy giảm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cộng đồng sinh thái Địa Trung Hải – bao gồm hươu cao cổ, tê giác, linh dương, ngựa vằn, voi, linh cẩu, động vật ăn thịt giống sư tử… và mới nhất là dòng dõi tổ tiên loài người – đã phân tán vào châu Phi từ khoảng 8 triệu năm trước.

Các tác giả đang nỗ lực tìm kiếm thêm các hóa thạch từ châu Âu và châu Phi có niên đại từ 7 đến 8 triệu năm trước nhằm thiết lập mối quan hệ đầy đủ hơn.