Indonesia đang tiến hành kế hoạch xây dựng Thủ đô mới tại Đông Kalimantan trên đảo Borneo, có tên gọi là Nusantara. Kế hoạch này được chính phủ Indonesia công bố vào năm 2020, với mục tiêu chuyển đổi Thủ đô Jakarta sang một địa điểm mới, nhằm giảm tải cho đô thị quá tải và phát triển kinh tế vùng đông Indonesia.
Dự án ước tính 34 tỷ USD và dự kiến hoàn thành năm 2045. Ông Bambang Susantono – người phụ trách dự án nói rằng, Nusantara sẽ là nơi đáng sống và đáng yêu.
Nusantara được xây dựng nhằm giảm bớt áp lực mà Thủ đô Jakarta hiện tại phải đối mặt, đó là nạn ô nhiễm, tắc nghẽn và đây còn là thành phố đang chìm nhanh nhất thế giới. Các nhà chức trách đã coi Thủ đô mới của Indonesia là một mô hình phát triển bền vững và toàn diện. Nhưng dự án cũng gây tranh cãi khi gây lo ngại về ảnh hưởng đối với môi trường và cộng đồng bản địa.
Kỹ sư Bambang Susantono – cựu quyền Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan Thủ đô Nusantara vào tháng 3-2022. Theo ông Bambang, toàn bộ diện tích của Nusantara sẽ là 256.000ha, lớn hơn khoảng 3,5 lần so với Singapore, nhưng chỉ 25% được xây dựng làm đô thị, 75% còn lại sẽ là cây xanh, trong đó 65% sẽ là rừng nhiệt đới tái sinh. Chúng tôi hy vọng thành phố rừng bền vững ít nhất sẽ trở thành thành phố trung hòa carbon vào năm 2045.
Mặc dù một số nhóm môi trường vẫn lo ngại về dự án này, ông Bambang giải thích, việc khai thác rừng trái phép chỉ là quá khứ, còn thành phố của tương lai sẽ mang các đặc tính xanh, thông minh và bền vững. “Chúng ta biết tình hình thế giới hiện nay không sáng sủa bởi đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó là tình trạng biến đổi khí hậu và những điểm xung đột ở một số nơi. Nhưng bất chấp tất cả, vẫn có những nhà đầu tư muốn bỏ tiền vào một số dự án có thể được đảm bảo trong vòng 10 – 15 năm tới” – ông Bambang nói về vấn đề tài chính. Được biết, đây là dự án đầu tư kết hợp cả công lẫn tư. Ông Bambang cho rằng, đây là một dự án tốt để đầu tư bởi nó sẽ là một thành phố đẳng cấp toàn cầu. Nó không chỉ dành cho Indonesia mà còn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Sau khi Tổng thống Joko Widodo trực tiếp thăm dò thị trường vào cuối năm ngoái, đã có rất nhiều nhà đầu tư quốc tế từ UAE, Arập Saudi, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ quan tâm. “Một số quan tâm khá chi tiết, tất nhiên họ phải nghiên cứu để xem môi trường ở đây. Hy vọng sang quý sau sẽ thấy ai thực sự muốn đầu tư, chúng tôi đang mở cơ hội cho họ” – ông Bambang Susantono nói.
Về tiến độ xây dựng, người phụ trách dự án cho biết đến năm 2024 sẽ có một khu trưng bày diện tích từ 900 – 1.000ha. Trong đó, họ sẽ chứng minh rằng mình có một hệ sinh thái hoàn chỉnh, một thành phố có thể tự vận hành. “Nếu nói về quyền sở hữu, đó sẽ là yếu tố bền vững bất kể điều kiện chính trị. Nếu nói về một thành phố đáng sống và đáng yêu, bạn có thể thấy chất lượng không khí tốt. Chúng tôi sẽ có một thành phố để bạn có thể đến tất cả các điểm đến trong vòng 10 phút và đi bộ thoải mái tại đây. Đây sẽ là nơi mà mọi người thích sống, làm việc, học tập và nghỉ ngơi. Một số người hỏi tôi, thành phố sẽ như thế nào? Nó sẽ giống như bộ phim viễn tưởng Avatar? Bạn có thể mơ về điều đó. Nó sẽ là thành phố thông minh, xanh,hòa nhập và bền vững cho tương lai” – ông Bambang quả quyết.
Thủ đô mới Nusantara của Indonesia“không chỉ là biểu tượng cho bản sắc dân tộc của chúng ta mà còn đại diện cho sự phát triển của quốc gia. Đó là vì mục đích hiện thực hóa một nền kinh tế công bằng và chính đáng” – Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết vào tháng 8-2019 khi công bố địa điểm xây dựng Thủ đô mới.Indonesia dự kiến sẽ chuyển 1,9 triệu người đến Nusantara vào năm 2045, một bộ phận công chức sẽ chuyển đến sớm nhất vào năm 2024. Chính phủ hy vọng Nusantara sẽ tạo ra hơn 4,8 triệu việc làm trong các lĩnh vực như công nghệ, hóa dầu và năng lượng tái tạo. Đối với bản thân Tổng thống Joko Widodo, Nusantara là cơ hội để làm nên lịch sử.