Đối mặt với áp lực từ dân số và thiếu hụt lao động, Trung Quốc đang phát triển công nghiệp theo hướng sử dụng ngày càng nhiều robot.
Nỗ lực đầu tiên nhằm chế tạo robot hình người của Trung Quốc không cho kết quả như mong đợi. Cỗ máy được sản xuất vào năm 2000 bởi nhóm nghiên cứu ở Đại học Công nghệ Quốc phòng trông như một chiếc lò nướng di động với đôi mắt hoạt hình và chỗ phồng lên giống súng đại bác phía trên hai chân. Mang tên Xianxingzhe, robot này thậm chí bị chế giễu bởi nước láng giềng Nhật Bản vốn sở hữu những người máy kiểu dáng đẹp mắt hơn ở thời điểm đó.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn kiên trì phát triển robot hình người, theo Economist. Hồi tháng 11/2023, chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch sản xuất hàng loạt robot hình người vào năm 2025. Năm ngoái, khoảng một nửa robot công nghiệp lắp đặt trên khắp thế giới được lắp ráp ở Trung Quốc, theo Liên đoàn robot quốc tế. Hiện nay, đây là nước tự động hóa xếp hàng thứ 5 trên thế giới, xét theo số lượng robot so với nhân công. Đứng trước những thách thức từ dân số, Trung Quốc đang nỗ lực trở thành siêu cường quốc robot.
Nhiều robot mới lắp đặt của Trung Quốc là cánh tay cơ học có thể lập trình để hàn, khoan hoặc lắp ráp bộ phận trên dây chuyền sản xuất. Nhưng trong năm 2022, Trung Quốc cũng sản xuất hơn 6 triệu robot dịch vụ, giúp con người làm các công việc khác ngoài tự động hóa công nghiệp. Những cỗ máy như vậy chạy quanh nhà kho, di chuyển thùng hàng hay dọn dẹp vệ sinh ở khách sạn. Tại một nhà hàng ở thành phố Quảng Châu, bữa ăn được nấu nướng và phục vụ bởi robot.
Sự phát triển kinh tế ấn tượng của Trung Quốc trong vài thập kỷ gần đây là kết quả của 3 yếu tố chính: lực lượng lao động ở đô thị, vốn cổ phần và năng suất. Tuy nhiên, hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động (15 – 64 tuổi) ở Trung Quốc đang giảm dần và dự kiến giảm hơn 20% vào năm 2050. Đầu năm nay, chính phủ nước này đưa ra danh sách 100 nghề nghiệp đang thiếu hụt lao động. Các vị trí liên quan tới sản xuất chiếm 41 công việc trong số đó.
Chính phủ Trung Quốc đánh giá robot đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất. Trong nhiều năm, họ phát triển công nghiệp theo hướng từ sử dụng nhiều lao động đến sử dụng nhiều robot. Các tỉnh chi hàng tỷ USD để giúp những nhà sản xuất nâng cấp theo hướng đó. Trải nghiệm trong đại dịch càng củng cố hướng đi trên. Trong khi công nhân ốm yếu do Covid-19, với robot, sức khỏe không phải là mối bận tâm.
Độ tuổi trung bình của nông dân ở Trung Quốc là ngoài 50. Rất ít người trẻ tuổi muốn làm việc trên cánh đồng. Một số nước phải đương đầu với vấn đề tương tự thường nhập khẩu lương thực hoặc lao động giá rẻ. Nhưng Trung Quốc rất chú trọng an ninh lương thực và vấn đề lao động nhập cư. Vì vậy, robot có thể là giải pháp thích hợp. Nhiều hoạt động nông nghiệp như vắt sữa bò có thể tự động hóa tương đối dễ dàng. Thành phố Thành Đô ở Tứ Xuyên thậm chí phát triển một trang trại trồng rau tự động có thể thu hoạch 10 lần một năm.
Theo thời gian, robot có thể thay thế nhân công già cỗi và góp phần chăm sóc họ. Ví dụ, bộ khung xương điện tử có thể hỗ trợ người già di chuyển. Những robot đơn giản hơn có thể giúp người già tắm rửa hoặc đứng dậy. Năm 2022, iFlytek, một công ty trí tuệ nhân tạo lớn, cho biết họ muốn gửi robot đến các viện dưỡng lão để đồng hành và quản lý sức khỏe. Cư dân ở một viện dưỡng lão tại Thượng Hải rất vui vẻ nhờ robot đi lại xung quanh và hát những ca khúc cách mạng từ thời trẻ.
Để ngành công nghiệp robot trong nước trở nên tự lực hơn, chính phủ Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào nghiên cứu. Hồi tháng 8, thành phố Bắc Kinh thông báo thành lập quỹ trị giá 1,4 tỷ USD dành cho nghiên cứu robot. Trung Quốc đã ghi nhận một số thành quả ban đầu. Năm ngoái, 36% robot công nghiệp mà Trung Quốc lắp đặt được sản xuất trong nước, tăng từ mức 25% vào năm 2013.