Lusail Tower của Norman Foster trở thành tòa nhà cao nhất Qatar

Công trình cụm tháp Lusail của Norman Foster sắp hoàn thành, dự kiến trở thành tòa nhà cao nhất Qatar.

Cụm tháp Lusail cao 301m sử dụng những tấm chắn nắng bằng nhôm trông tương tự mang cá, giúp giảm 70% bức xạ Mặt trời so với dùng kính.

Sắp hoàn thành với chiều cao 301m, cụm tháp Lusail của kiến trúc sư nổi tiếng Norman Foster sẽ đoạt danh hiệu tòa nhà cao nhất Qatar, vượt qua công trình giữ kỷ lục hiện tại là khách sạn The Torch Doha cao 300m, CNN hôm 29/2 đưa tin.

Thiết kế cụm tháp Lusail tại Qatar. (Ảnh: Tomorrow AB/Foster + Partners)
Thiết kế cụm tháp Lusail tại Qatar. (Ảnh: Tomorrow AB/Foster + Partners)

Cụm tháp được khởi công vào tháng 1/2020, dự kiến hoàn thành theo từng giai đoạn trong 12 tháng tới. Công trình này nằm ở thành phố Lusail, là một phần trong dự án có tổng diện tích 1,1 triệu m2 của công ty kiến trúc Anh Foster + Partners. Cụm tháp gồm 4 khối riêng biệt, hai khối cao 70 tầng và hai khối cao 50 tầng. Mỗi tòa tháp dự kiến hoạt động như một trung tâm cho các tổ chức tài chính của Qatar.

Để giải quyết thách thức đặc biệt do khí hậu nóng bức của Qatar mang lại, nhóm của Foster loại bỏ một số vật liệu thường dùng cho nhà cao tầng ở các nước có khí hậu mát mẻ hơn. Theo Foster, điều này là một phần trong sứ mệnh dài hạn nhằm đổi mới những tòa nhà cao tầng. “Bạn đã suy nghĩ nhiều lần về việc tòa tháp là một công trình bằng kính, nhưng với khí hậu ở đây và vấn đề về tính bền vững, bạn thực sự muốn bảo vệ công trình khỏi sự gia tăng nhiệt từ Mặt trời”, ông nói.

Thiết kế cụm tháp Lusail tích hợp hệ thống che nắng và thông khí tiên tiến, trong khi mặt ngoài cụm tháp có nhôm “tiêu chuẩn hàng hải” bao bọc xung quanh, bảo vệ kính khỏi ánh nắng gay gắt, đồng thời vẫn giữ được tầm nhìn hướng ra ngoài và đón ánh sáng tự nhiên. Trọng tâm của dự án là các tấm chắn nắng đặc biệt trông tương tự mang cá, giúp giảm 70% bức xạ Mặt trời so với những tòa tháp truyền thống sử dụng kính hoàn toàn.

Những tấm nhôm giúp che chắn cụm tháp khỏi ánh sáng Mặt trời gay gắt. (Ảnh: Tomorrow AB/Foster + Partners)

“Những gì chúng tôi làm là tạo ra sự nhận diện dựa trên nhu cầu thực tế. Đó không phải là sự áp đặt theo mốt mà xuất phát từ thực tế khí hậu”, Foster nói.

Hệ thống che nắng góp phần giảm 35% nhu cầu làm mát và mức tiêu thụ năng lượng tổng thể, theo Luke Fox, trưởng dự án kiêm đối tác điều hành cấp cao tại Foster + Partners.

Những tòa tháp được bố trí hợp lý nhằm tạo ra bóng mát tối đa. Khi vươn cao, hình dạng của chúng cũng thay đổi khi vặn xoắn 90 độ. “Chúng tôi đảm bảo rằng các tòa tháp được sắp xếp có chủ đích để xoắn nhẹ, cung cấp góc nhìn giữa các tòa tháp khi chúng vươn cao. Điều này khá độc đáo”, Fox chia sẻ.