Kỷ lục thế giới: Người đàn ông Scotland nhịn ăn 382 ngày

Câu chuyện kỳ tích về Angus Barbieri, người đàn ông Scotland nhịn ăn 382 ngày để giảm cân, vẫn khiến cả thế giới kinh ngạc.

Câu chuyện về hành trình phi thường của người đàn ông này đến nay vẫn được nhắc lại như kỳ tích có “1-0-2”, khiến cả thế giới kinh ngạc.

Hơn 6 thập kỷ trước, có một người đàn ông đến từ Scotland đã thu hút sự chú ý của thế giới khi công khai hành trình nhịn ăn liên tục suốt 382 ngày để giảm cân. Chuyện ngỡ tưởng như đùa này hóa ra lại hoàn toàn có thật. Và cho đến tận ngày nay, vẫn chưa ai vượt qua được kỷ lục ấy.

Theo trang History Defined, vào tháng 6 năm 1965, Angus Barbieri (khi đó 27 tuổi) – người mắc bệnh béo phì – quyết định cố gắng vượt qua cơn nghiện ăn để giảm cân. Không ngờ, cuộc hành trình của Angus Barbieri đã phá vỡ mọi kỷ lục, vượt qua ranh giới thể chất và tinh thần, thách thức niềm tin thông thường và khiến cả các nhà khoa học cũng như công chúng vô cùng sửng sốt.

Cuộc sống trước khi giảm cân

Có rất ít thông tin về những ngày trước khi giảm cân của Barbieri. Anh sinh ra ở Tayport, Scotland vào năm 1939 và dường như đã sống một cuộc sống bình thường với những rủi ro nhỏ vì cơ thể hơi “quá khổ”.

Khi còn là một thanh niên, trước khi bắt đầu nhịn ăn, Barbieri đã làm việc đều đặn tại một cửa hàng bán cá và khoai tây chiên của cha mình. Nhưng đến năm 27 tuổi, vấn đề về cân nặng của Barbieri trở nên rõ rệt, khi anh nặng tới 206kg.

Cân nặng của Barbieri có lúc đạt 206kg.
Cân nặng của Barbieri có lúc đạt 206kg.

Tháng 6 năm 1965, Barbieri tự đi đến Bệnh viện Hoàng gia Dundee ở Scotland để xin lời khuyên từ các chuyên gia y tế và bắt đầu hành trình nhịn ăn trong thời gian ngắn nhằm đưa cân nặng về mức bình thường, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Ý định của Barbieri là “nhịn ăn” để ép cân. Tất nhiên, đó không phải là cách giảm cân khoa học nhưng vì Barbieri đã rất quyết tâm nên bác sĩ cũng đồng ý theo dõi sức khỏe cho anh trong giai đoạn đầy gian nan này.

Vậy nên, chính bản thân Barbieri cũng không ngờ mình có thể nhịn ăn suốt thời gian dài như vậy.

Hành trình ép cân

Trong kế hoạch nhịn ăn cụ thể của Barbieri, anh không được ăn thức ăn dạng đặc, chỉ được phép bổ sung chất điện giải, vitamin, một số loại men cho các axit amin quan trọng và cuối cùng là các chất lỏng cụ thể như cà phê đen, trà và nước có ga.

Lượng calo của Barbieri gần bằng 0 trong toàn bộ thời gian nhịn ăn kéo dài – về cơ bản là một “chế độ ăn kiêng” đan xen với việc nhịn ăn gián đoạn.

Trong thời gian nhịn ăn, Barbieri giảm cân nhanh chóng – trung bình giảm gần 0,5kg mỗi ngày. Mỗi tháng, anh giảm được khoảng gần 10kg. Nhiều tháng trôi qua, Barbieri vẫn kiên định với việc nhịn ăn và các chữ số trên thang đo tiếp tục giảm.

Hình ảnh Barbieri sau khi giảm cân khiến nhiều người kinh ngạc.
Hình ảnh Barbieri sau khi giảm cân khiến nhiều người kinh ngạc.

Trong thời gian điều trị, anh được phép ra vào tùy ý tại Bệnh viện Maryfield để các bác sĩ theo dõi chế độ ăn uống và tình trạng sức khỏe của anh. Barbieri phải nghỉ hẳn việc tại cửa hàng cá và khoai tây chiên của cha mình trên phố Nelson để tránh phá vỡ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.

Kết quả kinh ngạc

Mục tiêu cuối cùng của Barbieri là về mốc 82kg, khi ấy, anh sẽ lên kế hoạch kết thúc hành trình giảm cân của mình. Và, sau 382 ngày phi thường vất vả, ngày 11 tháng 7 năm 1966, cuối cùng Barbieri thành công.

Barbieri kết thúc đợt nhịn ăn vào buổi sáng tháng 7 năm ấy với một ít bánh mì, bơ và một quả trứng luộc chín.

Anh nói với đám đông báo chí trong phòng:
Anh nói với đám đông báo chí trong phòng: “Mọi chuyện không sao cả. Tôi cảm thấy hơi no, nhưng tôi hoàn toàn thích cảm giác này”.Sự biến đổi của Barbieri khiến người ta khó có thể nhận ra anh là ai khi nhìn vào những bức ảnh trước đó. Bước chân vào chiếc quần cũ, Barbieri khiến mọi người kinh ngạc khi lọt thỏm trong một ống quần.

Câu chuyện của anh nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trên toàn cầu, những tờ báo ở tận nước Mỹ cũng đưa tin về hành trình đáng kinh ngạc của anh.

Các chuyên gia tại Đại học Dundee cũng bị thu hút bởi quá trình giảm cân của Barbieri đến nỗi họ đã tiến hành một nghiên cứu để xem xét tác động của việc nhịn ăn lâu dài đối với cơ thể.

Các bác sĩ của Barbieri đã ghi lại toàn bộ quá trình giảm cân trong một báo cáo công bố năm 1973.

Sự hoài nghi

Hành trình giảm cân của Angus Barbieri vấp phải nhiều hoài nghi và tranh cãi, khi nó vượt xa những gì hầu hết mọi người nghĩ là có thể.

Nhiều người đã hỏi cùng một câu hỏi: làm sao một người có thể nhịn ăn lâu như vậy?

Nhiều người tin rằng việc nhịn ăn cả năm không thể dẫn đến một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, bất kể là giảm được nhiều kg.

Vào thời điểm đó, hồ sơ cho thấy có 5 trường hợp tử vong do cố gắng nhịn ăn kéo dài tương tự dưới sự giám sát của bệnh viện.

Bất chấp mọi nghi ngờ từ gia đình, báo chí và thậm chí cả một số bác sĩ, Barbieri vẫn khẳng định rằng phương pháp của mình vừa nghiêm ngặt vừa trung thực.

Di sản của Barbieri

Cho đến ngày nay, kỷ lục 382 ngày không ăn của Angus Barbieri vẫn bất bại – thậm chí có thể nó sẽ không bao giờ lặp lại.

Barbieri nhanh chóng được ghi vào Sách kỷ lục Guinness năm 1971 – với thành tích thời gian nhịn ăn dài nhất từng được công nhận.

Sau khi hồi phục sức khỏe nhanh chóng lạ thường, Barbieri tiếp tục sống một cuộc sống viên mãn, nuôi nấng 2 con trai, sau đó chuyển đến Warwick.

Barbieri qua đời vào tháng 9 năm 1990. Hiện anh vẫn giữ kỷ lục thế giới về thời gian nhịn ăn lâu nhất mà không cần thức ăn đặc. Tuy nhiên, từ đó đến nay tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới hiện không chính thức công nhận các kỷ lục liên quan đến việc nhịn ăn vì lo ngại điều đó sẽ khuyến khích các hành vi không an toàn, thậm chí gây hại cho sức khỏe con người.