Kiến trúc bền vững đối phó với bão cát ở Dubai

Dự án Nhà chọc trời của Kalbod Design kết hợp kiến trúc và khí hậu sa mạc để chống lại bão cát tại UAE.

Các tòa nhà trong dự án có cấu trúc chính gồm hai hốc sâu để hấp thụ hạt cát, đồng thời lắp đặt pin cát để tích trữ năng lượng.

Kalbod Design, studio có trụ sở tại Tehran (Iran), giới thiệu dự án Nhà chọc trời Hấp thụ Bão cát, hướng đến việc kết hợp hài hòa giữa khí hậu sa mạc nhiệt đới của UAE với sự phát triển kiến trúc và đô thị, Design Boom hôm 14/3 đưa tin. Sử dụng công nghệ và sức sáng tạo, studio cung cấp một giải pháp kiến trúc bền vững cho những cơn bão cát tự nhiên xảy ra ở Dubai.

Ảnh Thiết kế tòa nhà chọc trời chống bão cát. (Ảnh: Kalbod Design Studio).
Thiết kế tòa nhà chọc trời chống bão cát. (Ảnh: Kalbod Design Studio).

Một tòa nhà không đủ để chống bão cát. Do đó, dự án sẽ gồm 25 tòa nhà nằm dọc theo tuyến đường chính của Dubai, giúp hỗ trợ hoạt động lẫn nhau. Mặt ngoài tòa nhà làm bằng kính, trong khi thiết kế của chúng lấy cảm hứng từ chức năng chính – đối phó với bão cát.

Nếu từng đến Dubai hoặc bất kỳ thành phố nào khác ở UAE, nhất là vào mùa xuân và mùa hè, hành khách có thể đã trải nghiệm khí hậu sa mạc nhiệt đới và những cơn bão cát lớn. Khi bão cát xảy ra, nhịp sống bình thường của thành phố chậm lại hoặc phải tạm dừng. Bên cạnh đó, bão cát cũng dần gây ra các vấn đề về hô hấp, làm ô nhiễm không khí và nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.

Nghiên cứu cho thấy, các hạt đất cát có điện tích. Vì vậy, cấu trúc chính của tòa nhà trong dự án gồm hai hốc sâu để hấp thụ hạt cát bằng từ tính, loại bỏ điện tích của chúng. Khi lọt vào hốc, hạt cát sẽ dính vào những tấm ván thông minh bên trong. Những tấm ván này sẽ mở đến một mức độ nhất định tùy theo cường độ bão.

Để bảo đảm tất cả hạt đều được trung hòa, toàn bộ điện tích của chúng sẽ được hấp thụ theo hai giai đoạn khác nhau. Do đường kính hạt đất cát ở độ cao thấp thường lớn hơn, hốc bên dưới cũng có lối vào lớn hơn. Nhóm thiết kế cũng dự định lắp đặt pin cát trong tòa nhà để có thể lưu trữ năng lượng suốt vài tháng, thậm chí sử dụng cho các tòa nhà khác trong vùng.

“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một khu vực đa chức năng tập trung vào nghiên cứu khoa học và mỗi tòa tháp sẽ có một vị trí cụ thể. Việc phân chia sẽ bao gồm các mục đích sử dụng như nhà ở và viện nghiên cứu về vật lý, hàng không vũ trụ, công nghệ, sinh học, y học”, nhóm thiết kế tại Kalbod Design cho biết.