Vào thập niên 1940, các kỹ sư Thụy Sĩ phát triển một loại xe buýt điện không khí thải mới sử dụng bánh đà lớn xoay tròn để lưu trữ năng lượng thay cho pin sạc nhiều lần.
Nhiều thành phố Thụy Sĩ thời đó dùng xe điện bánh hơi (chạy bằng điện từ dây cáp điện trên cao truyền xuống) làm phương tiện công cộng, chạy theo tuyến định sẵn. Việc mắc đường dây điện trên cao ở những tuyến mới quá tốn kém, theo Amusing Planet. Domuốn tạo ra một phương tiện êm và sạch hơn, không bị hạn chế bởi đường dây điện trên cao, Bjarne Storsand, kỹ sư trưởng của công ty Maschinenfabrik Oerlikon, nảy ra ý tưởng về gyrobus vào năm 1946.
Gyrobus hoạt động nhờ một motor điện và motor đó sử dụng điện sản xuất bởi máy phát dùng bánh đà để lưu trữ năng lượng. Bánh đà quay tròn ở trạm sạc nhờ 3 cần dài đặt trên nóc phương tiện. Khi bánh đà đạt tốc độ tối đa 3.000 vòng/phút, nó được sạc đầy. Khi đó, xe buýt có thể chạy 6 km ở tốc độ 50 – 60 km/h, tùy vào tải trọng trên xe và độ dốc của tuyến đường. Đôi khi, Gyrobus thậm chí chạy xa 10km trong một lần sạc.
Bánh đà mà các kỹ sư sử dụng khá lớn (đường kính 160 cm) và nặng (1,5 tấn), được bọc kín bên trong khoang kín khí chứa đầy hydro với áp suất giảm để hạ thấp lực cản. Thời gian sạc bánh đà đứng yên kéo dài 40 phút, nhưng khi bánh đà đang quay, thời gian bổ sung thêm năng lượng chỉ mất 2 – 5 phút. Điện áp càng cao, thời gian sạc càng ít. Những trạm sạc dọc tuyến đường đảm bảo số vòng quay của bánh đà không bao giờ giảm tới mức ảnh hưởng đến hiệu suất và tốc độ của xe buýt. Ví dụ, tuyến đường dài 4,5 km ở Yverdon-les-Bains có tới 4 điểm sạc.
Việc đặt một bánh đà lớn xoay tròn bên trong xe dẫn tới hai hệ quả ngoài mong muốn. Hiệu ứng hồi chuyển của bánh đà khiến xe buýt khó đổi hướng, kéo theo một số tình huống khó khăn, đặc biệt khi xe đi qua ngã rẽ. Mặt khác, hệ thống cung cấp hành trình rất êm ái và cân bằng.
Xe buýt gyrobus được sử dụng với số lượng hạn chế ở nhiều thành phố như Thụy Sĩ, Bỉ và Congo thuộc Bỉ cho tới năm 1960. Xe buýt gyrobus vận hành ở Léopoldville thậm chí thuộc hàng lớn nhất với 12 phương tiện chạy trên 4 tuyến đường dài khoảng 20 km. Tuy nhiên, mức tiêu thụ năng lượng cao khiến hệ thống phải dừng hoạt động. Tương tự, dịch vụ gyrobus ở Ghent, Bỉ, vàYverdon-les-Bains cũng kết thúc do vấn đề kinh tế. Hiện nay, chỉ có duy nhất một chiếc gyrobus còn tồn tại, được phục dựng, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tàu và xe buýt Flemish ở Antwerp.