Giải thưởng Coller Dolittle khuyến khích cuộc nói chuyện người với động vật

Giải Coller Dolittle 10 triệu USD khuyến khích tạo ra giao tiếp hai chiều giữa con người và động vật.

Quỹ Jeremy Coller và Đại học Tel Aviv (Israel) sẽ tài trợ giải thưởng cho nhóm nghiên cứu nào có thể mở khóa khả năng giao tiếp hai chiều giữa con người và động vật.

Khả năng nói chuyện với động vật từ lâu đã được khám phá trong văn học và phim ảnh viễn tưởng. Giờ đây, các nhà khoa học nào có thể tạo ra cuộc trò chuyện giữa người và động vật sẽ được trao giải thưởng trị giá 10 triệu USD (254 tỷ VND).

Thử thách giao tiếp hai chiều giữa các loài Coller Dolittle được phát động bởi Quỹ Jeremy Coller và Đại học Tel Aviv. Mặc dù việc sử dụng AI là không bắt buộc, họ cho biết công nghệ này có thể thúc đẩy hầu hết các kế hoạch được đề xuất.

Liệu trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta nói chuyện với động vật? (Ảnh minh họa).
Liệu trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta nói chuyện với động vật? (Ảnh minh họa).

Tổ chức cho biết, ý tưởng này không mới: các nhà nghiên cứu gần đây đã phát triển các thuật toán để dịch tiếng kêu của dơi, cho phép họ xác định chủ đề của các cuộc nói chuyện giữa chúng.

Những nỗ lực khác trong lĩnh vực này bao gồm các thuật toán nhằm giải mã cảm xúc của lợn từ tiếng kêu của chúng và tiếng kêu của loài gặm nhấm để xác định khi chúng bị căng thẳng.

Dự án Loài Trái đất, một nhóm phi lợi nhuận ở California (Mỹ), cũng đang làm việc với hy vọng phát triển một hệ thống có thể áp dụng cho tất cả các loài.

“Trong những năm gần đây, tầm hiểu biết của cộng đồng khoa học về mô hình giao tiếp của các sinh vật không phải con người đã có những bước tiến nhảy vọt”, Giáo sư Yossi Yovel của Đại học Tel Aviv, chủ tịch Giải thưởng Coller Dolittle và đồng tác giả của nghiên cứu về loài dơi, cho biết.

Mặc dù giải thưởng lớn cho việc “giải mã” có thể là khoản đầu tư cổ phần trị giá 10 triệu USD hoặc phần thưởng tiền mặt 500.000 USD (12,7 tỷ VND), đồng thời sẽ có những giải thưởng hàng năm trị giá 100.000 USD (2,5 tỷ VND) để giúp các nhà nghiên cứu đưa ra “các mô hình và thuật toán chặt chẽ về mặt khoa học để giao tiếp mạch lạc với các sinh vật không phải con người, cho đến khi đạt được giao tiếp giữa các loài”.

Tiêu chí cho các giải thưởng nhỏ hơn yêu cầu phương pháp tiếp cận không xâm lấn và áp dụng được cho nhiều bối cảnh, dựa trên tín hiệu giao tiếp bình thường của động vật và cho phép các nhà nghiên cứu đo lường phản ứng của động vật trong khi cố gắng giao tiếp với nó.

“Chúng tôi dự định sẽ công bố tiêu chí cho giải thưởng lớn sau hai đến ba năm giải thưởng nhỏ”, ông Yovel nói.

Tổ chức đứng sau giải thưởng cho biết mục tiêu là phát triển một hệ thống mà động vật không nhận ra rằng chúng đang giao tiếp với con người – tương tự như bài kiểm tra Turing cho AI, trong đó hệ thống máy tính phải có một cuộc trò chuyện giống hệt người thật.

“Chúng tôi đón chào mọi sinh vật và mọi phương thức, từ giao tiếp âm thanh của cá voi đến giao tiếp hóa học ở giun”, ông Yovel cho biết. Nhóm nói thêm rằng giải thưởng có thể có tác động quan trọng trong việc hiểu biết về tri giác của động vật và từ đó hỗ trợ quyền động vật.

Ông Peter Gabriel, nhạc sĩ và đồng sáng lập của Interspecies Internet, đội nghiên cứu đã giúp phát triển ý tưởng của giải thưởng, chia sẻ: “Khi tôi chơi nhạc với khỉ Bonobo, tôi rất ngạc nhiên với trí thông minh và khả năng âm nhạc của chúng…

Tôi rất vui vì các nhà khoa học hiện đang tìm hiểu cách giao tiếp của chúng và từ đó chúng ta có thể bắt đầu giao tiếp giữa các loài”.

Một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về vấn đề đạo đức xung quanh việc trò chuyện với động vật. (Ảnh minh họa).
Một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về vấn đề đạo đức xung quanh việc trò chuyện với động vật. (Ảnh minh họa).

Tiến sĩ Katherine Herborn, nhà nghiên cứu hành vi động vật tại Đại học Plymouth (Anh), cho biết một trong những ứng dụng tốt của việc giải mã ngôn ngữ động vật là hiểu được gia súc trang trại cần gì để cải thiện khả năng quản lý chúng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về vấn đề đạo đức xung quanh việc trò chuyện với động vật và liệu AI thực sự có thể làm sáng tỏ ý nghĩa hoặc chức năng của tiếng kêu động vật hay không.

“Tôi nghĩ rằng không có chương trình AI nào có thể thay thế được kiến thức chi tiết, lâu dài về xã hội của động vật”, ông Robert Seyfarth, giáo sư tâm lý học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), nhận xét.

“Cố gắng giải mã tiếng càu nhàu của khỉ đầu chó, tiếng huýt sáo của cá heo hay tiếng rống của con voi mà không hiểu nền tảng xã hội – việc này phải mất nhiều năm – cũng giống như nhảy cóc đến giữa một cuốn sách và cố giải thích cốt truyện của nó”.

Bà Clara Mancini, giáo sư về tương tác giữa động vật và máy tính tại Đại học Mở (Anh), cho biết AI rất có thể sẽ giúp chúng ta giải mã thông tin liên lạc của động vật.

“Theo quan điểm của tôi, nếu thành công, đây sẽ là một trong những thành tựu sáng giá nhất của con người nhờ công nghệ này”, bà nói.

Tuy nhiên, bà nói thêm, việc thành công trong thử thách này liệu có thực sự cho phép chúng ta hiểu được trải nghiệm của động vật hay không lại là một vấn đề khác.

“Quan trọng hơn cả, câu hỏi ở đây là liệu chúng ta có sẵn sàng thực sự lắng nghe những gì động vật nói và cuối cùng trao cho chúng những quyền lợi cơ bản mà chúng đòi hỏi hay không”, bà nói. Tôi chân thành hy vọng là có.