Hơn 100 năm trước, nhiếp ảnh gia George Raymond Lawrence chế tạo máy ảnh nặng 635 g để chụp ảnh toàn cảnh một đoàn tàu đặc biệt.
Năm 1899, công ty Đường sắt Chicago & Alton giới thiệu dịch vụ đường sắt mới giữa Chicago và St. Louis với tàu Alton Limited, phương tiện khi đó được mệnh danh là “Tàu đẹp nhất thế giới”. Theo công ty, chưa có tàu đường sắt nào trên thế giới sở hữu thiết kế đồng nhất và đối xứng như vậy. Các cửa sổ đều có cùng kích thước, hình dạng và kiểu dáng từ toa vận chuyển thư đến toa chở khách. Mọi toa đều có chiều dài và chiều cao chính xác như nhau, thậm chí toa than của đầu máy cũng cao bằng các toa phía sau, mui của đầu máy cao bằng nóc các toa thường.
Không lâu sau khi Alton Limited xuất xưởng, công ty Đường sắt Chicago & Alton quyết định tham gia Triển lãm Paris năm 1900. Họ dự định gây ấn tượng với công chúng bằng sự đối xứng chưa từng có của con tàu. Nhưng thay vì vận chuyển cả đoàn tàu đến Pháp, công ty quyết định tạo ra một bức ảnh khổng lồ và đem trưng bày. Họ thuê nhiếp ảnh gia xuất sắc George Raymond Lawrence, người điều hành một studio ở Chicago, để thực hiện nhiệm vụ này.
Đường sắt Chicago & Alton muốn chụp một bức ảnh thể hiện toàn bộ con tàu. Ban đầu, Lawrence gợi ý nên chụp từng phần, sau đó ghép lại trong quá trình in. Nhưng công ty không chấp nhận đề xuất này và muốn một bức ảnh hoàn hảo về chuyến tàu hoàn hảo của mình. Họ cũng nhấn mạnh, chiều dài bức ảnh không thể ít hơn 2,4m.
Chấp nhận thử thách, Lawrence hợp tác với nhà sản xuất máy ảnh J. A. Anderson. Trong vòng 8 tháng, họ đã thiết kế và chế tạo Máy ảnh Mammoth – một cỗ máy khổng lồ nặng 635kg và cần tới 15 người vận hành. Khi được duỗi ra hoàn toàn, phần hộp xếp dài tới 6m.
Các ống kính của Mammoth thuộc loại lớn nhất được chế tạo cho mục đích nhiếp ảnh, do công ty quang học Bausch and Lomb ở Rochester, New York, sản xuất. Có hai ống kính, một chiếc góc rộng với tiêu cự khoảng 1,7m, chiếc còn lại là ống kính rectilinear (ống kính thiết kế thẳng) có tiêu cự khoảng 3m. Máy ảnh sử dụng một tấm kính âm bản kích thước 2,4 m x 1,4 m, lớn gần gấp 3 lần so với các máy ảnh toàn cảnh thời đó. Mammoth lớn đến mức trước khi phơi sáng, một người có thể bước vào trong và lau bụi khỏi tấm kính. Anderson gọi đây là máy ảnh lớn nhất thế giới.
Sau nhiều tháng lên kế hoạch và chuẩn bị, vào một buổi sáng mùa xuân năm 1900, máy ảnh Mammoth được cẩn thận vận chuyển bằng xe sàn phẳng đến công viên Brighton. Tiếp đó, một chiếc xe tải lót đệm đưa máy ảnh đến vị trí thích hợp trên cánh đồng rộng. Tàu Alton Limited đỗ phía xa. Sau khi hướng máy ảnh vào đoàn tàu trên đường ray, 4 người tiến hành lắp tấm kính khổng lồ, trong khi 6 người khác vận hành hộp xếp và ống kính. Lawrence tháo nắp ống kính và sau quá trình phơi sáng kéo dài hai phút rưỡi, ông đậy nắp lại, hoàn thành việc phơi sáng.
Lawrence đã tạo 3 bản in khổng lồ từ phim âm bản và gửi đến Paris để trưng bày. Một bức được treo trong Tòa nhà Chính phủ Mỹ, một bức ở triển lãm đường sắt và một bức ở khu nhiếp ảnh. Ban đầu, ban giám khảo cuộc thi nhiếp ảnh tỏ ra nghi ngờ vì chưa ai từng thấy một bức ảnh lớn như vậy. Họ cho rằng đây chỉ là ảnh ghép. Chỉ sau khi xác minh sự tồn tại của máy ảnh Mammoth và quan sát cách nó hoạt động, ban tổ chức mới bị thuyết phục. Cuối cùng, bức ảnh đã mang về cho Lawrence ”Giải thưởng lớn của thế giới về nhiếp ảnh xuất sắc”.