F60 – “tháp Eiffel nằm ngang” ở Đức

Cầu băng tải F60 được mệnh danh là tháp Eiffel nằm ngang với kích thước ấn tượng hơn cả biểu tượng của Pháp.

Với chiều dài 502m và trọng lượng 13.600 tấn, cầu băng tải F60 thậm chí còn đồ sộ hơn nhiều so với tháp Eiffel nổi tiếng.

Cầu băng tải F60 dài 502m và cao 80m. (Ảnh: LutzBruno/Wikimedia Commons)
Cầu băng tải F60 dài 502m và cao 80m. (Ảnh: LutzBruno/Wikimedia Commons)

Cầu băng tải khổng lồ bằng thép F60 ở Lower Lusatia, Brandenburg, Đức, là một trong những cỗ máy công nghiệp kỹ thuật có thể di chuyển lớn và dài nhất thế giới.

Cầu băng tải được sử dụng trong khai thác mỏ để loại bỏ lớp đất phủ (lớp đất đá trên cùng cần di dời để tiếp cận vỉa than hay quặng bên dưới) và đổ xuống bãi đất thải của mỏ lộ thiên. F60 là chiếc cuối cùng trong số 5 cầu băng tải có kích thước tương tự được chế tạo trong giai đoạn 1969 – 1991. 4 trong số đó vẫn đang hoạt động tại các mỏ than nâu ở Lower Lusatia, trong khi F60 được bảo tồn làm điểm tham quan.

F60 dài 502 m và cao 80 m. Do kích thước lớn và hình dạng của giàn thép, F60 có biệt danh là “tháp Eiffel nằm ngang”. Nhưng thực tế, nếu đặt tháp Eiffel nằm cạnh F60, tòa tháp sẽ bị lấn át hoàn toàn vì chỉ cao khoảng 330 m. F60 cũng nặng hơn nhiều. Nó có trọng lượng 13.600 tấn, trong khi phần khung thép của tháp Eiffel nặng khoảng 7.300 tấn. Đây là một trong những phương tiện trên cạn nặng nhất từng chế tạo, chỉ kém máy xúc gàu quay khổng lồ Bagger 293 với trọng lượng 14.200 tấn.

Trong quá trình hoạt động, F60 đồng hành với hai máy xúc xích gàu, cùng đào và di chuyển 29.000 m3 đất thải mỗi giờ, tương ứng với trọng lượng 50.000 tấn. Dù có kích thước khổng lồ, F60 rất tiết kiệm khi chỉ cần 1,2 kWh điện để thu gom, di chuyển và đổ một m3 đất thải.

Quá trình chế tạo F60 bắt đầu vào năm 1988 và cỗ máy đi vào hoạt động năm 1991. Chỉ sau 13 tháng, mỏ bị đóng cửa và chính phủ liên bang Đức yêu cầu cải tạo khu vực này. Kế hoạch ban đầu là tháo dỡ F60, nhưng sau đó nó được bảo tồn làm điểm tham quan.