Einstein và cuộc đua tạo bom nguyên tử trong Thế chiến II

Đi sâu vào cuộc đời Einstein, từ tủ lạnh tiết kiệm điện đến bom nguyên tử và hậu quả của Thế chiến II.

Nhà vật lý nổi tiếng từng viết thư cho tổng thống Mỹ để cảnh báo về bom nguyên tử trong Thế chiến II và bị ám ảnh bởi những hậu quả.

Einstein (trái) và Leo Szilárd từng hợp tác trong một nghiên cứu. (Ảnh: UC San Diego Library)
Einstein (trái) và Leo Szilárd từng hợp tác trong một nghiên cứu. (Ảnh: UC San Diego Library)

Vào thập niên 1920, khi đang sống ở Berlin, nhà vật lý cộng tác với trợ lý người Hungary Leo Szilárd để phát triển và xin cấp bằng sáng chế một chiếc tủ lạnh tiết kiệm điện. Dù thiết kế của họ không bao giờ có mặt trên thị trường, sản phẩm của bộ đôi cuối cùng đã kéo Einstein, một người vốn yêu hòa bình, vào cuộc đua tạo ra bom nguyên tử trong Thế chiến II. Vào cuối đời, Einstein sẵn sàng tranh luận dữ dội để kêu gọi cấm vũ khí nguyên tử trên khắp thế giới trong lúc đánh vật với những hệ quả chết chóc từ nghiên cứu khoa học của mình.

“Ông ấy chắc chắn không nghĩ học thuyết này sẽ trở thành một vũ khí”, Cynthia Kelly, chủ tịch Hiệp hội di sản hạt nhân, tổ chức phi lợi nhuận bảo tồn Dự án Manhattan, cho biết. “Nhưng ông ấy nhanh chóng có chủ ý”.

Cùng với các nhà khoa học khác, Einstein soạn một lá thư cho tổng thống Roosevelt nhằm cảnh báo chuyện gì sẽ xảy ra nếu những nhà khoa học Đức Quốc xã đánh bại Mỹ bằng bom nguyên tử. Trong thư, ông nhắc tới một loại bom mới cực kỳ mạnh và khuyên Roosevelt cấp kinh phí cho dự án nghiên cứu năng lượng nguyên tử.

Tổng thống Roosevelt đã nghiêm túc cân nhắc lời cảnh báo đó. Ngày 21/10/1939, hai tháng sau khi nhận được lá thư và chỉ vài ngày sau khi Đức xâm chiếm Ba Lan, Ủy ban Cố vấn về Uranium gặp gỡ lần đầu tiên theo chỉ đạo của tổng thống Roosevelt. Đó là tiền thân của Dự án Manhattan, dự án tối mật của chính phủ Mỹ nhằm phát minh bom nguyên tử hoạt động được. Ban đầu, ủy ban chỉ được cấp kinh phí 6.000 USD, vì vậy với sự hỗ trợ của Szilárd, Einstein tiếp tục viết thư cho tổng thống. Một lá thư thậm chí thông báo Szilárd sẽ công bố những phát hiện hạt nhân quan trọng trên tạp chí khoa học nếu dự án không nhận được nguồn kinh phí lớn hơn.

Theo cách này, Einstein đã góp phần thúc đẩy Dự án Manhattan, nhưng trên thực tế, mức độ tham gia của ông vào chế tạo bom nguyên tử cực kỳ nhỏ. Ông không được phép làm việc cho Dự án Manhattan với lý do an ninh. Einstein là người Đức, đồng thời được biết đến như một nhà hoạt động chính trị cánh tả.

Tuy nhiên, tên tuổi của Einstein mãi mãi gắn liền với vũ khí ra đời từ học thuyết của ông. Einstein rất bàng hoàng khi nghe tin về vụ ném bom Hiroshima. Dù Einstein tìm cách cảnh báo thế giới về nguy cơ phổ biến hạt nhân, ông vẫn ân hận và tự trách về trách nhiệm liên quan của mình.