Công nghệ quân sự lí thú qua tàu ngầm Brandtaucher

Khám phá tàu ngầm Brandtaucher, biểu tượng của công nghệ quân sự hiện được trưng bày ở Đức.

Dù bị chìm trong lần thử đầu tiên, tàu ngầm Brandtaucher là minh chứng thú vị cho những thành tựu ban đầu của công nghệ quân sự và định vị dưới nước.

Ở Bảo tàng lịch sử quân đội Đức tại Dresden, có một tàu ngầm bằng sắt lớn nằm ở phòng trưng bày. Sản xuất vào năm 1850, con tàu tiên phong mang tên Brandtaucher là tàu ngầm Đức đầu tiên được chế tạo và tàu ngầm cổ nhất còn tồn tại trên thế giới, theo Amusing Planet.

Tàu ngầm Brandtaucher tại phòng trưng bày ở bảo tàng. (Ảnh: Jan Rehschuh/Wikimedia Commons).
Tàu ngầm Brandtaucher tại phòng trưng bày ở bảo tàng. (Ảnh: Jan Rehschuh/Wikimedia Commons).

Brandtaucher được thiết kế bởi Wilhelm Bauer, một kỹ sư người Đức sinh ở Dillingen tại Vương quốc Bavaria. Ban đầu được đào tạo trở thành thợ tiện gỗ, cuối cùng Bauer nối nghiệp cha ông là một trung sĩ trong trung đoàn kỵ binh Bavaria và gia nhập quân đội. Là một kỹ sư pháo binh trong Chiến tranh Đức – Đan Mạch (1848 – 1852), Bauer chứng kiến hải quân Mỹ dễ dàng bao vây vùng ven biển nước Phổ như thế nào. Trải nghiệm này đã thôi thúc ông phát triển một chiếc tàu ngầm có thể phá vỡ vòng vây.

Tàu ngầm không phải ý tưởng mới thời đó. Trong số những mẫu tàu ngầm thành công đầu tiên có một chiếc được thiết kế bởi kỹ sư kiêm nhà phát minh người Hà Lan Cornelius Drebbel cho vua James I của Anh năm 1620. Chưa rõ Wilhelm Bauer lấy cảm hứng bao nhiêu từ những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông bắt đầu học về đóng tàu và thủy lực học. Khi đóng quân ở Jutland, Bauer quan sát cử động tự nhiên của hải cẩu và lấy đó làm hình mẫu để phát triển thiết kế. Trên thực tế, hình dáng con tàu của ông trông giống một con hải cẩu béo tốt nên có biệt danh là “hải cẩu sắt”.

Bauer trở lại Bavaria năm 1849 và giới thiệu phát minh với một ủy ban quân sự nhưng bị họ gạt đi. Không nản chí, ông tới Bắc Đức và gia nhập quân đội Schleswig-Holstein khi họ bày tỏ hứng thú với dự án và yêu cầu ông phát triển xa hơn và chế tạo một phiên bản. Bauer tạo ra phiên bản hoạt động được của mẫu tàu ngầm, nhưng quân đội không đồng ý cấp kinh phí để biến nó thành hiện thực, buộc Bauer phải huy động kinh phí từ nguồn tư nhân. Ông gom được một số tiền và bắt tay vào sản xuất tàu cùng với kỹ sư August Howaldt.

Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, Bauer và Howaldt phải tiến hành một số sửa đổi quan trọng so với thiết kế ban đầu như giảm độ dày thành tàu và bỏ két nước dằn. Thay vào đó, nước được chứa ở đáy thân tàu, bên dưới sàn chính và dịch chuyển tương đối tự do trong khu vực này khi tàu đổi hướng. Lỗi thiết kế này dẫn tới tính cân bằng kém, nhiều khả năng góp phần vào thất bại của con tàu.

Tàu ngầm Brandtaucher dài 8,5m và nặng khoảng 31.751kg. Tàu hoạt động với hai thủy thủ quay vòng lăn bằng tay và chân. Người thứ ba ngồi ở đuôi tàu ngầm vận hành bánh lái và các thiết bị điều khiển khác. Brandtaucher được thiết kế để tấn công tàu quân địch. Con tàu sẽ lặn xuống dưới thân tàu mục tiêu, tại đó thuyền trưởng sẽ thò tay qua cặp găng tay cao su gắn ở một lỗ trên thân tàu và gắn mình vào tàu quân địch.

Ngày 1/2/1851, một buổi trình diễn được tổ chức ở cảng Kiel. Bên trong tàu ngầm là Bauer, thợ mộc Friedrich Witt và thợ rèn Wilhelm Thomsen. Vài phút đầu tiên diễn ra trôi chảy, nhưng khi Bauer tiến đến phần sâu nhất của cảng để lặn, thân tàu bắt đầu rò rỉ và không chịu được áp suất nước. Trong khi tàu lặn bắt đầu ngập, nó chậm rãi chìm xuống đáy cảng. Bauer và những người đồng hành căng thẳng chờ suốt 6 giờ cho tới khi nước ngấm vào đủ cân bằng áp suất bên trong con tàu bị chìm. Điều này cho phép mở nắp tàu ngầm và 3 thủy thủ ngoi lên mặt nước. Xác tàu Brandtaucher được trục vớt vào năm 1887 và hiện nay trưng bày ở bảo tàng lịch sử quân đội tại Dresden.

Bauer tiếp tục chế tạo tàu lặn thứ hai gọi là Seeteufel (Quỷ biển), cho Sa hoàng Alexander II của Nga. Học hỏi từ kinh nghiệm trước đó với Brandtaucher, Bauer khắc phục vấn đề ở thiết kế đầu tiên. Tàu Seeteufel lớn và cao cấp hơn nhiều, thực hiện 133 chuyến lặn thành công trong vòng 4 tháng. Tuy nhiên, trong chuyến lặn thứ 134, chiếc tàu ngầm mắc kẹt trên lớp cát ở đáy biển. Thông qua bơm hết nước ở thùng chứa hình trụ, thủy thủ đoàn đưa tàu ngầm lên đủ cao để nắp tàu nằm trên mặt nước. Toàn bộ thủy thủ đoàn bao gồm Bauer được cứu sống nhưng chiếc tàu lặn chìm xuống đáy biển. Một mô hình thu nhỏ của Sea Devil được trưng bày ở Bảo tàng Deutsches tại Munich.