Cao tốc chạy xuyên qua sa mạc Taklimakan ở khu tự trị Tân Cương dài 522 km, trang bị 86 nhà máy điện mặt trời để bơm và tưới tiêu nước.
Tính đến ngày 10/6, cao tốc xuyên sa mạc không carbon đầu tiên của Trung Quốc, dự án điện mặt trời (PV) dài nhất dùng cho tưới tiêu và kiểm soát cát ở mỏ dầu Tarim trên sa mạc Taklimakan thuộc khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ phía tây bắc nước này, sản xuất hơn 5 triệu kW điện sạch, theo Global News.
Dự án đã lắp đặt 86 nhà máy điện mặt trời dọc theo cao tốc xuyên sa mạc, tạo ra điện phục vụ tưới tiêu hơn 3.100 hecta rừng bảo vệ sinh thái dọc đường, cung cấp giải pháp thay thế hoàn toàn máy bơm tưới tiêu chạy bằng dầu diesel.
“Pin quang điện hỗ trợ đường cao tốc xuyên sa mạc không carbon sản xuất khoảng 11.000 kW điện mỗi ngày. Tổng cộng 109 giếng dọc đường cao tốc đều sử dụng điện sạch để bơm và tưới tiêu”, Wen Zhang, phó tổng giám đốc công ty mỏ dầu Tarim thuộc công ty dầu khí Trung Quốc, cho biết.
Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời dọc cao tốc xuyên sa mạc đạt 3.540 kW với công suất sản xuất hàng năm là 3,62 triệu kWh. Meng Panlei, kỹ sư ở giếng dầu, cho biết họ áp dụng mô hình phát triển theo chu kỳ đối với sản xuất năng lượng bằng pin quang điện, trồng cây bên dưới tấm pin, tận dụng toàn diện nguồn nước để biến đổi môi trường sinh thái ở nội địa sa mạc. Theo các ước tính, dự án xanh này sẽ giúp giảm tiêu thụ khoảng 1.000 tấn nhiên liệu diesel và giảm 3.410 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.
Công ty mỏ dầu Tarim đã xây 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt 1,3 triệu kW ở vùng hẻo lánh của sa mạc Taklamakan và vùng ngoại vi. Những nhà máy này đã sản xuất tích lũy hơn 700 triệu kW điện sạch, đảm bảo cung cấp điện để đáp ứng nhu cầu tăng vọt vào mùa hè và phát triển kinh tế địa phương.
Dữ liệu từ Cục năng lượng quốc gia cho thấy Trung Quốc chiếm hơn 50% trong số 510 gigawatt công suất năng lượng tái tạo mới lắp đặt trên thế giới năm 2023.