Công ty ST Engineering của Singapore thông báo những đơn đặt hàng đầu tiên cho Airfish-8, phương tiện lai sử dụng hiệu ứng cánh đối đất sẽ đi vào hoạt động năm 2025.
AirFish 8 (AF8) là một phương tiện cánh đối đất (Wig), được thiết kế để vận hành bởi hai người, có thể chở 8 hành khách hoặc một tấn hàng hóa, New Atlas hôm 28/2 đưa tin. Airfish 8 dài 17 mét, rộng 15 mét, sở hữu tốc độ nhanh hơn ba lần so với phần lớn tàu biển và hiệu quả hơn 2,3 lần so với máy bay. Phương tiện có tầm hoạt động 926km và không đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt, hứa hẹn cách mạng hóa việc đi lại giữa hàng nghìn hòn đảo ở Indonesia, Philippines, Polynesia và Caribe.
Sau khi rời khỏi cảng, AirFish 8 sẽ tăng tốc tới vận tốc cất cánh, bay lên và ở cách mặt nước 0,6 – 0,7 m, tận dụng đệm không khí (tạo ra từ lực nâng khí động học do hiệu ứng đối đất giữa phương tiện và mặt nước) để di chuyển ở độ cao thấp và duy trì tốc độ 167 km/h. Hiệu ứng đối đất do cánh máy bay tạo ra khi ở gần bề mặt cố định làm tăng lực nâng và giảm lực cản khí động. Không chỉ nhanh hơn nhiều so với tàu biển, phương tiện cũng cung cấp hành trình thoải mái hơn khi biển động. Dù không nhanh bằng thủy phi cơ, AirFish 8 hoạt động hiệu quả và dễ bay hơn.
AF8 hoạt động nhờ động cơ xe đua V8 7 lít công suất 500 mã lực chạy bằng xăng không pha chì rẻ hơn nhiên liệu hàng không. Là phương tiện vận hành trên mặt nước, Airfish 8 không đòi hỏi đường băng để cất cánh và hạ cánh. Thiết kế mũi tàu nhỏ cho phép xây dựng các bến đỗ ở vùng nước nông gần bờ. Đặc điểm này biến Airfish 8 thành phương tiện lý tưởng để tới những nơi máy bay thông thường và tàu biển không thể tiếp cận. Nếu máy móc bất ngờ bị trục trặc, Airfish 8 có thể đáp ngay xuống mặt nước bên dưới.
ST Engineering đã hợp tác với Peluca, trước đây là Wigetworks, để thương mại hóa Airfish 8 dưới tên ST Engineering AirX. Đơn đặt hàng đầu tiên của họ đến từ Eurasia Mobility Solutions, nơi Airfish 8 sẽ được dùng để vận chuyển khách du lịch và hành khách tư nhân quanh Thổ Nhĩ Kỹ. Quá trình bàn giao sẽ diễn ra vào năm 2025.