Kenza Layli – một nữ influencer (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) chuyên về thời trang cuộc sống – đã vượt qua 10 người đẹp để trở thành Hoa hậu AI đầu tiên.
Đến với cuộc thi, người đẹp AI của Maroc hy vọng đem đến “sự đa dạng và hòa nhập” cho những người sáng tạo AI. Với gần 200.000 người theo dõi trên Instagram và hơn 45.000 người theo dõi trên TikTok, người đẹp Layli hoàn toàn là một sản phẩm do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, từ xây dựng hình ảnh đến bài phát biểu nhận giải chuẩn mực.
“Chiến thắng Hoa hậu AI càng thúc đẩy tôi tiếp tục công việc gợi nguồn cảm hứng cho công nghệ AI. AI không chỉ là một công cụ. Đó có thể là một lực lượng biến đổi có thể phá vỡ các ngành công nghiệp, thách thức các chuẩn mực và tạo ra những cơ hội chưa từng tồn tại trước đây. Khi chúng ta tiếp tục tiến bước, tôi cam kết thúc đẩy sự đa dạng và toàn diện trong lĩnh vực này, đảm bảo rằng mọi người đều có một vị trí trong công nghệ tiến bộ”, người đẹp Layli phát biểu qua video.
Theo ban tổ chức Fanvue, cuộc thi Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới được tổ chức vào đầu năm đã thu hút khoảng 1.500 lập trình viên AI trên khắp thế giới. Layli được tạo ra bởi Myriam Bessa, người sáng lập công ty Phoenix AI. Myriam sẽ sẽ nhận được 5.000 USD tiền mặt và những công cụ hỗ trợ khác trên Fanvue để đẩy mạnh hình ảnh Layli. Á quân là người đẹp AI Lalina Valina đến từ Pháp và Olivia C đến từ Bồ Đào Nha.
Trước khi công bố người chiến thắng trong tuần này, các nhà tổ chức cuộc thi cho biết những người đẹp tham giá được đánh giá không chỉ dựa trên ngoại hình mà còn về việc sử dụng các công cụ AI của người sáng tạo cũng như tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội của nhân vật. Các thí sinh AI phải trả lời các câu hỏi giống như một cuộc thi sắc đẹp thực tế của con người, chẳng hạn như “Nếu bạn có thể biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn thì bạn sẽ làm gì?”.
Ban giám khảo bao gồm một influencer AI Aitana Lopez và nhà sử học chuyên về các cuộc thi sắc đẹp Sally-Ann Fawcett. Sally cho biết bà đang tìm kiếm những thí sinh mang đến thông điệp tích cực, mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trước một cuộc thi sắc đẹp AI rầm rộ, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tác động từ một cuộc thi như thế. Các chuyên gia cho rằng những hình ảnh cách điệu do AI tạo ra có thể đồng nhất hóa các tiêu chuẩn sắc đẹp.
Tiến sĩ Kerry McInerney, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Leverhulme vì Tương lai Trí tuệ tại Đại học Cambridge, chia sẻ: “Tôi nghĩ chúng ta đang ngày càng mất kết nối với việc khuôn mặt chưa được chỉnh sửa trông như thế nào”.
Cuộc thi sắc đẹp của Fanvue trở nên được mong đợi sau khi người dẫn chương trình AI của Tây Ban Nha Alba Renai đã tạo nên một cơn sốt đối với người xem. Cô trở thành người dẫn chương trình đặc biệt cho chương trình hút khách “Survivor”.
Tuy nhiên, những người tạo ra Renai nhấn mạnh nữ MC này không được tạo ra để giành công việc của ai cả.
“Tài năng của con người là không thể thay thế được và chúng tôi không có ý định làm như vậy”, Luis Movilla, người phụ trách đứng đằng sau sự phát triển của Renai, khẳng định.