Quá trình hành nghề, Hood chia sẻ rằng cô từng thấy một hành khách cho mèo bú sữa mình và người khác đạp xe đạp dọc theo lối đi trong một chiếc Boeing 747.
Ann Hood, một tiểu thuyết gia người Mỹ đồng thời là cựu tiếp viên Hãng hàng không TWA trong những năm 1980. Gần đây cô đã có những chia sẻ đặc biệt với trang tin CNN về công việc mà mình đã từng làm, vào giai đoạn cuối thời đại hoàng kim của ngành du lịch hàng không.
Ann Hood lớn lên ở tiểu bang Virginia, Mỹ, và đã có cơ hội chứng kiến chuyến bay đầu tiên của chiếc Boeing 707 – phương tiện được cho là mở ra kỷ nguyên du lịch bằng máy bay phản lực chở khách. Năm 11 tuổi, sau khi cùng gia đình chuyển tới tiểu bang Rhode Island, cô đọc được cuốn sách xuất bản năm 1964 với tựa đề “Làm thế nào để trở thành tiếp viên hàng không” và lập tức đưa ra quyết định lớn cho đời mình. “Mặc dù sách có nội dung phân biệt giới tính rất nặng, nó vẫn thu hút tôi vì nói về một công việc sẽ cho phép bản thân được ngắm nhìn thế giới và nó có thể phù hợp với tôi,” cô chia sẻ.
Tốt nghiệp đại học vào năm 1978, Hood liền gửi đơn xin việc tới các hãng hàng không. “Tôi nghĩ 1978 là một năm thực sự thú vị, vì nhiều phụ nữ cùng học đại học với tôi đang đặt một chân vào những ý tưởng và khuôn mẫu cũ, còn chân kia đặt vào tương lai. Đó là khoảng thời gian gây ra những khó khăn trong lựa chọn cho phụ nữ trẻ”.
Thời điểm ấy, “tiếp viên hàng không” là một thuật ngữ mới được đặt ra. Đây là một sự nâng cấp về mặt câu chữ, khi công việc tiếp viên hàng không được mô tả trung lập về giới tính, thay cho các từ “nữ tiếp viên” và “nam tiếp viên” trước kia. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng sắp sửa nới lỏng sự quản lý chặt chẽ đã áp đặt lên ngành hàng không nội địa từ lâu, qua đó mở đường cho sự thay đổi.
Nhưng trong bối cảnh giao thời đó, hoạt động đi lại trên không về cơ bản vẫn là một dịch vụ hào nhoáng, phức tạp, trong đó tiếp viên hàng không vẫn chỉ được xem như những “đồ trang trí xinh đẹp và gợi cảm”, như lời Hood nói.
Định kiến về việc các nữ tiếp viên mặc váy siêu ngắn tán tỉnh hành khách nam vẫn còn tồn tại và được phổ biến qua các cuốn sách như “Cà phê, trà hay tôi?”. Đây là một cuốn hồi ký, được cho là do hai nữ tiếp viên viết ra dựa trên sự thực, xuất bản vào năm 1967. Nhưng sau đó người ta phát hiện sách chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Donald Bain, một giám đốc tiếp thị của hãng American Airlines.
Giới hạn cân nặng, kết hôn là mất việc
Để trở thành tiếp viên hàng không giai đoạn trước đây, ứng viên phải chấp nhận một số yêu cầu hết sức tồi tệ như chỉ nằm trong độ tuổi nhất định và chấp nhận bị sa thải nếu kết hôn hoặc sinh con. Các yêu cầu này đã bị dỡ bỏ vào thời điểm Hood trở thành tiếp viên, nhưng những điều kiện khá tồi khác vẫn tồn tại.
Gây sốc nhất có lẽ là yêu cầu nữ tiếp viên phải liên tục duy trì cân nặng mà họ có được tại thời điểm tuyển dụng. “Tất cả các hãng hàng không đều gửi một biểu đồ kèm theo đơn xin việc của bạn. Người ta nhìn vào chiều cao và cân nặng tối đa của ứng viên và nếu bạn không nằm trong ngưỡng đạt điều kiện, họ thậm chí sẽ không tiến hành phỏng vấn bạn,” Hood chia sẻ.
Nhưng một khi đã được tuyển dụng, các nữ tiếp viên cũng không được phép để mình tăng cân, ít nhất điều này là đúng với TWA. Hood nói rằng cô phải duy trì trọng lượng của mình vào thời điểm được tuyển dụng, tức thấp hơn giới hạn tối đa khoảng 5kg. “Bạn cùng phòng của tôi đã bị sa thải vì tăng cân. Điều thực sự khủng khiếp là mãi đến những năm 1990, quy định này mới được dỡ bỏ,” Hood cho biết.
Hood là một trong số 560 người được TWA – hãng hàng không lớn ở Mỹ vào thời điểm đó – tuyển làm tiếp viên vào năm 1978. Cô và các bạn mình đã phải chiến thắng khoảng 14.000 ứng viên khác để có một chỗ làm. TWA về sau bị American Airlines mua lại vào năm 2001.
Hood kể rằng công việc của cô bắt đầu bằng một khóa huấn luyện đầy căng thẳng ở Thành phố Kansas. Tại đây, các tiếp viên hàng không sẽ học rất nhiều thứ, từ tên bộ phận máy bay đến các quy trình y tế khẩn cấp, cũng như các quy trình an toàn của 7 loại máy bay khác nhau. Danh sách này bao gồm cả chiếc máy bay Boeing 747 – được xem như Nữ hoàng bầu trời một thời.
Với Hood, Boeing 747 là chiếc máy bay đáng sợ vì nó quá lớn. Việc máy bay được trang bị cầu thang xoắn ốc dẫn đến khoang hạng nhất khiến cô phải lên xuống nhiều lần và dễ vấp ngã khi di chuyển. Trong khi đó, chiếc máy bay cô yêu thích là Lockheed L-1011 TriStar. Ở Mỹ khi đó, chỉ có Eastern Airlines và TWA sử dụng mẫu máy bay này. L-1011 TriStar là một mẫu máy bay thân rộng, với lối bố trí rất thuận tiện gồm hai ghế ở mỗi bên thân máy bay và bốn ghế ở giữa, để khách có thể ra vào dễ dàng. Khách rất hài lòng với chiếc máy bay này.
Cô nói rằng việc đi máy bay vào thời điểm đó vẫn là thứ gì đó rất hào nhoáng và sang trọng. “Khách thường mặc đẹp khi bay và họ nhớ tới đồ ăn trên máy bay theo một cách tích cực. Hàng không khi đó thực sự khác với ngày nay. Việc đi máy bay khi đó giống với việc ở trong một khách sạn sang trọng, hoặc có thể là trên một con tàu du lịch,” Hood chia sẻ, cho biết thêm rằng cô từng mặc bộ đồng phục do Ralph Lauren thiết kế và phục vụ khách bằng các món ăn như bò bít tết hảo hạng hoặc trứng cá muối Nga và tôm hùm dùng kèm với rượu vang Dom Perignon.
Những chuyện kỳ lạ trong công việc
Nhưng công việc không chỉ có toàn màu hồng. Việc hút thuốc lá trên máy bay rất phổ biến vào thời đó và đây là ác mộng với các tiếp viên. “Nếu tham gia các tour bay dài 5 ngày, điều không phải hiếm khi đó, bạn phải đóng gói mang theo một bộ đồng phục riêng vì sau mỗi chuyến bay cả người sẽ bốc đầy mùi khói,” Hood chia sẻ.
Vậy những chuyện luyến ái nhạy cảm trên máy bay thì sao? “Không phải chuyện lạ trên các chuyến bay quốc tế khi đó khi bạn thấy một người đàn ông đi vào phòng tắm và một phút sau, người phụ nữ ngồi cạnh anh ta cũng theo vào,” Hood kể, cho biết thêm rằng những chuyện như vậy không thường xảy ra, nhưng có tồn tại.
“Các chuyến bay quốc tế trước đây thường không đông khách như bây giờ nên ở khu vực giữa gồm 5 ghế trên chiếc Boeing 747, bạn có thể thấy một cặp đôi sẽ đẩy những kê tay vịn lên, lấy chăn phủ bên ngoài rồi biến mất vào bên trong. Tôi không thể nói họ đang làm gì nhưng có vẻ đó là một hoạt động đáng ngờ,” Hood chia sẻ với CNN.
Chuyện hành khách tán tỉnh hay rủ tiếp viên hàng không đi chơi cũng là chuyện thường tình khi ấy. “Tôi có thực hiện những cuộc hẹn hò với hành khách, nhưng kết thúc thường là thảm họa. Chuyện chưa bao giờ giống như tôi tưởng tượng. Ngoại trừ một lần vào năm 1982, tôi quen một anh chàng trên chuyến bay từ San Francisco tới New York. Anh ấy ngồi ở ghế 47F và tôi đã hẹn hò với anh ấy được 5 năm,” cô kể.
Quá trình làm việc, Hood đã chứng kiến nhiều điều kỳ lạ trên máy bay. Ví dụ trong một chuyến bay, cô thấy một người phụ nữ ở khoang hạng nhất dường như đang cho con mèo của cô ta bú sữa. Trường hợp khác là một hành khách đã đạp xe đạp dọc theo lối đi trên chuyến bay của chiếc Boeing 747 từ Mỹ tới Frankfurt, Đức.
“Tôi có thể nói rằng công việc này có 80% thú vị và 20% nhàm chán. Ở một số chuyến bay, đặc biệt là những chuyến bay không kín chỗ, có rất nhiều thời gian phải lấp đầy. Bạn chỉ có thể phục vụ hành khách rất nhiều đồ ăn, rất nhiều đồ uống, và xem rất nhiều phim. Tôi đã làm cho công việc của mình trở nên thú vị hơn bằng cách nói chuyện với khách. Tôi thích cảm giác giao tiếp,” Hood kể.
Năm 1986, Hood nghỉ việc tiếp viên để tập trung vào sự nghiệp viết lách. Khi ấy, ngành hàng không đã thay đổi rất nhiều. Việc bãi bỏ hoạt động quản lý chặt của nhà nước với ngành hàng không, chính quyền nới lỏng kiểm soát mọi thứ, từ giá vé đến đường bay, đã có tác động sâu rộng, thay đổi vĩnh viễn hoạt động đi lại bằng máy bay ở Mỹ.
Hood cho biết cô chưa từng thôi tự hào về sự nghiệp của mình trên bầu trời. Cô cũng khuyên những ai có đủ điều kiện nên thử qua công việc này. “Tôi mới 21 tuổi khi được tuyển dụng và công việc mang lại cho tôi sự tự tin, sự đĩnh đạc, khả năng độc lập suy nghĩ. Tôi nghĩ vài năm làm tiếp viên hàng không có thể thay đổi cuộc đời bạn,” cô chia sẻ.